Cập nhật thông tin chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ mới nhất năm 2021
Thông tư số 132/2018/TT-BTC được Bộ Tài Chính ban hành ngày 28/12/2018 đã chỉ rõ những quy định trong chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ. Dưới đây là những lưu ý mà doanh nghiệp cần nắm rõ.
Thông tin mới nhất về chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ
1. Tiêu chí xác định cho doanh nghiệp siêu nhỏ
Để cập nhật những thông tin trong quy định về chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ, trước hết doanh nghiệp cần hiểu rõ về những tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo Nghị định 39/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp được xếp vào loại siêu nhỏ khi thỏa mãn những điều kiện sau đây:
- Là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại hoặc dịch vụ có số lượng người lao động tham gia vào hiểm xã hội bình quân/năm < 10 người. Đồng thời, tổng doanh thu hàng năm của công ty < 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn phải < 3 tỷ.
- Là doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp có số lượng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân không quá 10 người. Đồng thời, tổng doanh thu hàng năm của công ty không quá 3 tỷ, tổng vốn dưới 3 tỷ đồng.
2. Áp dụng chế độ kế toán
Chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng như sau:
- Doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN dựa trên phương pháp tính trên thu nhập tính thuế được quy định cụ thể tại chương II Thông tư 132/2018/TT-BTC.
- Doanh nghiệp siêu nhỏ có thể nộp thuế TNDN tỷ lệ % doanh thu bán sản phẩm, dịch vụ được quy định tại Chương III Thông tư 132/2018/TT-BTC.
- Doanh nghiệp siêu nhỏ áp dụng chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại thông tư 133/2016/TT-BTC được ban hành ngày 26/08/2016 của Bộ Tài Chính tùy theo đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp.
- Lưu ý: Doanh nghiệp siêu nhỏ phải áp dụng chế độ kế toán nhất quán trong vòng 01 năm tài chính. Doanh nghiệp chỉ có thể thay đổi chế độ kế toán ở thời điểm đầu năm tài chính kế tiếp.
3. Biểu mẫu, chứng từ và sổ sách kế toán
Để dễ dàng trong quá trình quản lý cũng như điều chỉnh sổ sách kế toán, doanh nghiệp siêu nhỏ được tự xây dựng biểu mẫu chứng từ kế toán phù hợp với đặc điểm kinh doanh của doanh nghiệp mình. Biểu mẫu, sổ sách và chứng từ kế toán đều phải đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và dễ kiểm soát.
Chứng từ kế toán
Quy định về chứng từ kế toán được ghi rõ tại Điều 4, thông tư 132/2018/TT-BTC, như sau:
- Nội dung lập và ký chứng từ kế toán của doanh nghiệp siêu nhỏ được quy định cụ thể tại Điều 16, 17, 18, 19 Luật Kế Toán.
- Nội dung, hình thức hóa đơn, trình tự lập, quản lý và sử dụng hóa đơn (bao gồm cả hóa đơn điện tử) được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về thuế.
- Trường hợp doanh nghiệp không tự xây dựng biểu mẫu chứng từ kế toán được thì có thể áp dụng biểu mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán tại phụ lục 1 Thông tư 132/2018/TT-BTC.
Sổ sách kế toán
- Nội dung sổ kế toán, hệ thống sổ kế toán, trình tự mở sổ, ghi sổ, khóa sổ, lưu trữ và sửa chữa sổ kế toán đối với doanh nghiệp siêu nhỏ được quy định tại Điều 24, 25, 26, 27 Luật Kế toán.
- Trường hợp doanh nghiệp không tự xây dựng biểu mẫu chứng từ kế toán được thì có thể áp dụng biểu mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán tại Thông tư 132/2018/TT-BTC.
4. Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật
Các doanh nghiệp siêu nhỏ thực hiện việc lập báo cáo và nộp thuế TNDN tính theo % doanh thu bán hàng theo quy định của pháp luật. Thời gian lập và nộp báo cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật thuế. Điều này đã được ghi rõ tại Chương III, điều 18 Thông tư 132/2018/TT-BTC.
Ngoài ra, các doanh nghiệp siêu nhỏ muốn lập báo cáo tài chính nhằm phục vụ cho mục đích quản trị hoặc điều hành doanh nghiệp cũng có thể lập báo cáo theo quy định của pháp luật về thuế. Các thông tin như doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ, các khoản tiền lương đều sẽ được liệt kê trong báo cáo.
Với báo cáo tài chính sử dụng cho mục đích quản trị, doanh nghiệp sẽ không cần phải nộp cho cơ quan thuế mà được phép lưu trữ tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Báo cáo sẽ được sử dụng trong trường hợp có yêu cầu kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Bộ máy tổ chức kế toán trưởng hoặc người làm kế toán
Trong quy định về chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ tại Thông tư 132/2018/TT-BTC cũng có quy định về bộ máy tổ chức kế toán. Theo đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không cần bộ phận kế toán trưởng.
Tại khoản 2, điều 8 của thông tư này cũng quy định thêm: “Việc bố trí người làm kế toán của doanh nghiệp siêu nhỏ phải đảm bảo không vi phạm quy định tại Điều 19 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật kế toán.”
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ muốn tiết kiệm chi phí và đơn giản hóa bộ máy cũng có thể thuê các đơn vị kế toán ngoài theo quy định của pháp luật. Danh sách đơn vị đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán sẽ được công bố và cập nhật định kỳ trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
6. Thuế suất dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ
Các doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ được miễn thuế môn bài. Ngoài ra, các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và có số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân trên năm dưới 10 người sẽ được áp dụng mức thuế là 15%.
Mức thuế suất 17% sẽ được áp dụng đối với doanh nghiệp có doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội bình quân trên năm không quá 100 người.
Như vậy, bản thân những doanh nghiệp siêu nhỏ cũng có những quy định riêng và những ưu đãi trong vấn đề thuế. Doanh nghiệp cần nắm rõ những quy định này để có thể áp dụng cho doanh nghiệp mình mà không bị thiệt về quyền lợi.
Trên đây là toàn bộ bài viết “Cập nhật thông tin chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ mới nhất năm 2021”. Hy vọng những chia sẻ hữu ích vừa rồi của Thiên Luật Phát đã giúp bạn có thêm thông tin cho doanh nghiệp nhỏ của mình.
The post chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ appeared first on Thiên Luật Phát.
source https://thienluatphat.vn/che-do-ke-toan-cho-doanh-nghiep-sieu-nho
Nhận xét
Đăng nhận xét